Quy chế đánh giá, công nhận, phân loại thành viên

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
TP. HCM – TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA
CÂU LẠC BỘ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KHOA ĐIỆN – ĐIỆN TỬ


QUY CHẾ
ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN,
PHÂN LOẠI THÀNH VIÊN


Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc đánh giá, công nhận, phân loại thành viên trong Câu lạc bộ Nghiên Cứu Khoa Học Khoa Điện-Điện tử (sau đây gọi tắt là CLB).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

  1. Quy chế này áp dụng cho các cá nhân, sinh viên thuộc CLB và các cá nhân, sinh viên mong muốn tham gia CLB.
  2. Quy chế này không điều chỉnh đối với các thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban cố vấn Khoa học và Ban cố vấn Tổ chức – Quản lý.

Điều 3. Mục đích đánh giá, công nhận, phân loại thành viên

  1. Tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu Thành viên cho CLB qua đó tìm ra những cá nhân xuất sắc nắm giữ các nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động của CLB.
  2. Làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về trình độ chuyên môn, kỹ năng, năng lực và hiệu quả làm việc, nghiên cứu của Thành viên nhằm quy hoạch, luân chuyển, điều động vào các vị trí, nhiệm vụ phù hợp.

Điều 4. Yêu cầu công tác đánh giá, công nhận, phân loại thành viên

  1. Phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, tính lịch sử – cụ thể; trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai đối với TVCT được đánh giá.
  2. Phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, lấy kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá Thành viên.

Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5: Phân cấp quản lý thành viên trong CLB

Thành viên CLB được phân thành 4 cấp:

  1. Học viên
  2. Thành viên dự bị (sau đây gọi tắt là TVDB)
  3. Thành viên chính thức (sau đây gọi tắt là TVCT)
  4. Thành viên nòng cốt.

Điều 6:Những quy định về Học viên

1. Căn cứ đánh giá, công nhận Học viên

a)      Sinh viên được đánh giá, công nhận Học viên của CLB thông qua các tiêu chí:

  • Sinh viên vượt qua kì kiểm tra đầu vào các lớp học của CLB.
  • Sinh viên tham gia chuyên cần các buổi học của CLB.

b)      Quá trình đánh giá, công nhận Học viên CLB do BCN và các Thành viên giảng dạy, đứng lớp của CLB quyết định và quản lý.

2. Quyền lợi của Học viên

a)      Học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn tận tình của các Thầy Cô, anh chị Cựu sinh viên và sinh viên khoá trên.

b)      Được tham gia các hoạt động nghiên cứu và các hoạt động học thuật khác của Câu lạc bộ.

c)      Được xin ra khỏi CLB khi tự nhận thấy mình không thể, hoặc không còn nguyện vọng tham gia CLB.

d)     Được CLB bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình hoạt động trong CLB.

3. Trách nhiệm của Học viên

Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực Nghiên Cứu Khoa Học.

Thể hiện tinh thần “Pay it forward” của CLB, đóng góp chia sẻ với cộng đồng, giúp đỡ bạn bè và sinh viên các khoá sau trong học tập, nghiên cứu.

Điều 7: Những quy định về Thành viên dự bị

1. Căn cứ đánh giá, công nhận TVDB:

a)      Sinh viên được đánh giá, công nhận TVDB của CLB thông qua các tiêu chí:

  • Sinh viên là Học viên của CLB.
  • Sinh viên đạt đến trình độ chuyên môn nhất định, được đánh giá thông qua các bài tập trên lớp, bài tập về nhà, bài tập cuối khóa và các thành tựu đạt được qua các cuộc thi học thuật.
  • Sinh viên tham gia chuyên cần các buổi học của CLB.

b)      Quá trình đánh giá, công nhận TVDB của CLB do BCN và các Thành viên giảng dạy, đứng lớp của CLB quyết định và quản lý.

2. Quyền lợi của TVDB:

a)      Học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn tận tình của các Thầy Cô, anh chị Cựu sinh viên và sinh viên khoá trên.

b)      Được tham gia các hoạt động nghiên cứu và các hoạt động học thuật khác của Câu lạc bộ.

c)      Được xin ra khỏi CLB khi tự nhận thấy mình không thể, hoặc không còn nguyện vọng tham gia CLB.

d)     Được CLB bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình hoạt động trong CLB.

3. Trách nhiệm của TVDB

a)      Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực NCKH.

b)      Thể hiện tinh thần “Pay it forward” của Câu lạc bộ, đóng góp chia sẻ với cộng đồng, giúp đỡ bạn bè và sinh viên các khoá sau trong học tập, nghiên cứu.

Điều 8: Những quy định về Thành viên chính thức

1. Căn cứ đánh giá, công nhận TVCT

a)      Sinh viên được đánh giá, công nhận TVCT của CLB thông qua các tiêu chí:

  • Sinh viên là TVDB của CLB.
  • Có tinh thần tích cực trau dồi, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn và năng lực Nghiên Cứu Khoa Học.
  • Đạt được thành tựu trong lĩnh vực chuyên môn.
  • Đóng góp và chia sẻ thông qua trang web, diễn đàn CLB, công tác giảng dạy, hướng dẫn các sinh viên khóa sau.
  • Có đam mê, nhiệt huyết, có nguyện vọng tham gia, đóng góp xây dựng và phát triển CLB.

b)      Quá trình đánh giá, công nhận TVCT của CLB do BCN CLB quyết định và quản lý.

2. Quyền lợi của TVCT

a)      Học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn tận tình của các Thầy Cô, anh chị Cựu sinh viên và sinh viên khoá trên.

b)      Được tham gia các hoạt động nghiên cứu và các hoạt động học thuật khác của Câu lạc bộ.

c)      Được nhận sự quan tâm, hỗ trợ, tư vấn từ CLB về học tập, nghiên cứu: Định hướng nghiên cứu, tổ chức – quản lý – giám sát nhóm nghiên cứu, hướng dẫn đánh giá đề tài, quản lý chất lượng đề tài.

d)     Được sử dụng tài sản của CLB cho mục đích học tập, nghiên cứu (theo các quy định cụ thể đối với từng loại tài sản).

e)      Được xin ra khỏi CLB khi tự nhận thấy mình không thể, hoặc không còn nguyện vọng tham gia CLB.

f)       Được CLB bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình hoạt động trong CLB.

3. Trách nhiệm của TVCT

a)      Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực Nghiên Cứu Khoa Học.

b)      Thể hiện tinh thần “Pay it forward” của CLB, đóng góp chia sẻ với cộng đồng, giúp đỡ bạn bè và sinh viên các khoá sau trong học tập, nghiên cứu.

c)      Tham gia các hoạt động của CLB, thực hiện các nhiệm vụ được giao.

d)     Tham gia xây dựng và phát triển CLB: đóng góp ý kiến, đề xuất hoạt động, giới thiệu thành viên, hướng dẫn, giúp đỡ thành viên trong CLB,…

e)      Giữ gìn, bảo quản tài sản của CLB.

Điều 9: Những quy định về Thành viên nòng cốt

1. Nhiệm vụ và sứ mệnh:

a)      Giữ vai trò tiên phong, đầu tàu trong các hoạt động Nghiên cứu khoa học chuyên sâu trong CLB.

b)      Giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động chia sẻ học thuật, kinh nghiệm, kĩ năng trong CLB.

c)      Giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động hợp tác đối ngoại của CLB.

2. Cách thức tổ chức, quản lý và hoạt động:

a)      Thành viên nòng cốt có tên giao dịch, trang web, phòng thí nghiệm, văn phòng làm việc độc lập. Được thành lập các chức danh:

–          Trưởng nhóm Thành viên nòng cốt.

–          Trưởng phòng thí nghiệm.

b)      Trưởng nhóm thành viên nòng cốt có trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhóm, báo cáo định kỳ hoạt động với BCN.

c)      Trưởng phòng thí nghiệm có vai trò hỗ trợ trưởng nhóm thành viên nòng cốt trong công tác quản lý cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ tình hình cơ sở vật chất với trưởng nhóm Thành viên nòng cốt.

d)     Chức danh trưởng nhóm do Chủ nhiệm CLB bổ nhiệm thông qua sự đồng ý của Ban cố vấn Quản lý – Tổ chức của CLB.

e)      Chức danh trưởng phòng thí nghiệm do trưởng nhóm thành viên nòng cốt đề xuất, Chủ nhiệm CLB phê chuẩn và bổ nhiệm.

3. Công nhận Thành viên nòng cốt:

a)      Sinh viên được đánh giá, công nhận Thành viên nòng cốt của CLB thông qua các tiêu chí:

  • Sinh viên là TVCT của CLB.
  • Sinh viên có những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực chuyên môn.
  • Sinh viên có những đóng góp nổi bật trong các hoạt động của CLB.

b)      Quá trình đánh giá, công nhận Thành viên nòng cốt do BCN và Ban cố vấn Quản lý – Tổ chức quyết định và quản lý.

4. Tổ chức đánh giá Thành viên nòng cốt:

a)      BCN và Ban cố vấn Quản lý – Tổ chức thực hiện tổ chức đánh giá hoạt động của Thành viên nòng cốt định kỳ hàng năm hoặc bất thường khi có chủ trương đánh giá của BCN CLB.

b)      BCN và Ban cố vấn Quản lý – Tổ chức thực hiện tổ chức đánh giá hoạt động của các thành viên quản lý nhóm Thành viên nòng cốt định kỳ hàng năm hoặc bất thường khi có chủ trương đánh giá của BCN CLB.

c)      Quyết định bổ sung, thay thế các thành viên nòng cốt, các thành viên quản lý nhóm thành viên nòng cốt do BCN CLB phê chuẩn thông qua sự đồng ý của Ban cố vấn Tổ chức – Quản lý CLB.

5. Quyền lợi của Thành viên nòng cốt:

a)      Được sử dụng tài sản vật chất, tài sản trí tuệ, phòng thí nghiệm của CLB cho mục đích học tập, nghiên cứu, phát triển CLB, phát triển nhóm Thành viên nòng cốt (theo các quy định cụ thể đối với từng loại tài sản).

b)      Các quyền lợi như Thành viên chính thức.

6. Trách nhiệm của Thành viên nòng cốt:

a)      Tham mưu cho BCN CLB về các hoạt động xây dựng, phát triển CLB.

b)      Thể hiện vai trò tiên phong, đầu tàu trong học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực Nghiên cứu khoa học.

c)      Tổ chức – quản lý – giám sát các nhóm nghiên cứu trong CLB.

d)     Thể hiện tinh thần “Pay it forward”, đóng góp, chia sẻ, góp phần phát triển cộng đồng.

e)      Giữ gìn, bảo quản tài sản của Câu lạc bộ.

Điều 10: Quy định về khai trừ Thành viên, Học viên

Ban Chủ Nhiệm CLB xem xét khai trừ thành viên trong các trường hợp sau:

  1. Thành viên, Học viên nộp đơn xin ra khỏi CLB.
  2. Thành viên, Học viên không còn tham gia, hoặc tham gia không tích cực các hoạt động của CLB.
  3. Thành viên, Học viên có những hành động gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của CLB như: chia rẽ thành viên, gây mất đoàn kết, phá hoại tài sản, lợi dụng hoạt động, hình ảnh, uy tín của CLB, lợi dụng tài sản của CLB (bao gồm tài sản trí tuệ, tài sản vật chất) để phục vụ cho mục đích riêng, vi phạm quy chế, nội quy của CLB, vi phạm nội quy trường lớp, vi phạm pháp luật.
  4. Các trường hợp khác được Ban Chủ nhiệm xem xét và ra quyết định cụ thể.

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Các Thành viên, Học viên thuộc CLB có trách nhiệm thực hiện Quy chế này. BCN CLB quán triệt, chỉ đạo và giám sát Thành viên, Học viên thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

  1. BCN chủ trì hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Quy chế này.
  2. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về BCN để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

BAN CHỦ NHIỆM CÂU LẠC BỘ

Comments are closed.