CÂU LẠC BỘ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KHOA ĐIỆN- ĐIỆN TỬ MỘT NĂM THÀNH LẬP

Xuất phát từ ý tưởng của các sinh viên K07 khoa Điện- Điện tử kết hợp với sự ủng hộ hết mình của các thầy cô và anh chị cựu sinh viên, ngày 22/12/2009 Đề án thành lập Câu lạc bộ Nghiên Cứu Khoa Học khoa Điện – Điện tử được Ban chủ nhiệm Khoa và phòng Công Tác Chính Trị Sinh Viên duyệt, đánh dấu sự ra đời của Câu lạc bộ.

Từ tháng 12/2009 đến tháng 03/2010 là giai đoạn CLB chuẩn bị về nguồn nhân lực, vật tư và tài liệu học tập.

Cuối tháng 03/2010 CLB chính thức có những hoạt động đầu tiên.

Hoạt động với tiêu chí “Pay it forward” – một quả táo sẻ làm đôi chỉ còn một nửa, thế nhưng một câu chuyện được kể hai lần sẽ được nhân đôi, một kiến thức được sẻ chia sẽ được nhân rộng gấp nhiều lần, và sự đáp đền xứng đáng nhất đối với những người đã giúp đỡ mình chính là làm sao có thể giúp thêm nhiều người khác.

Thành viên CLB đã được các thầy cô, các anh chị cựu sinh viên giúp đỡ rất nhiều kể từ ngày thành lập. Và các thành viên CLB lớp trước sẽ lại hướng dẫn cho các lớp sau, đó là cách CLB duy trì và phát triển.

Gần một năm qua, Câu lạc bộ từng bước giúp đỡ các sinh viên, kể cả thành viên trong CLB và các sinh viên khác của khoa Điện – Điện tử, đi từ những bước đầu tiên đến những đỉnh cao hơn của tri thức.

Đào tạo lực lượng nòng cốt:

Lực lượng nòng cốt là “xương sống” của Câu lạc bộ, với 20 thành viên ban đầu cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình từ thầy cô và các anh chị cựu sinh viên, CLB từng bước giúp sinh viên có được những kỹ năng cơ bản nhất thông qua các chuyên đề:

–          Hướng dẫn vẽ mạch in bằng OrCAD: Do nhóm sinh viên KSTN05 thuyết trình và hỗ trợ kỹ thuật, sau các buổi hướng dẫn, các bạn đã biết cách vẽ mạch trên OrCAD, thực hiện mạch in 1 lớp thủ công.

–          DC converter: Dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Quang Nam, các bạn đã hiểu và làm được mạch nguồn Buck-Boost đơn giản.

–          Matlab và ứng dụng:  Matlab là 1 phần không thể thiếu đối với kỹ sư ngành điện, với sự giúp đỡ tận tình của thầy Phạm Đình Trực, các sv đã bước đi những bước đầu tiên với Matlab và Simulink.

–          Khóa học PIC 5 tuần : Với khóa học 5 tuần khởi đầu từ nền tảng kiến thức về Vi điều khiển kinh điển 89C51, các bạn đã làm việc được với hầu như tất cả các tính năng của PIC16F, lập trình tốt bằng ngôn ngữ C. Ngoài ra khoá học còn giúp các bạn rèn luyện được nhiều kĩ năng khác, từ đó có cơ sở để phát triển và tiếp cận các kiến thức mới, nâng cao hơn.

Fanled 2010:

Cuộc thi Fanled 2010 do Câu lạc bộ tổ chức với 31 đội dự thi, thu hút gần 100 sinh viên tham gia đánh dấu sự trưởng thành của các thành viên Câu lạc bộ, từng bước mở rộng hoạt động hướng tới hỗ trợ sinh viên các khóa tiếp theo.

1 tháng Fanled: 15/05 -15/06/2010

Khác với các cuộc thi khác, các sinh viên tham gia Fanled 2010 được sự hỗ trợ toàn bộ kiến thức cần thiết từ các thành viên Câu lạc bộ và các anh chị cựu sinh viên thông qua các Clip và tài liệu hướng dẫn do các thành viên CLB thực hiện, đăng tải trên website, forum và các buổi hướng dẫn trực tiếp.

Qua 2 vòng thi, các bạn đã được hướng dẫn những kỹ năng cần thiết về mạch in, cơ bản về vi điều khiển PIC16F và ngôn ngữ C.

Từ một sinh viên chỉ mới “biết” về điện tử, nhiều bạn khi tham gia Fanled 2010 chưa từng làm mạch in, chưa từng viết chương trình C với Vi điều khiển, chưa từng làm phần cứng, đã biết sử dụng những công cụ cơ bản để phục vụ cho học tập và nghiên cứu sau này. Đó chính là thành công lớn nhất của cuộc thi.

Các sản phẩm Fanled 2010 thực sự rất sáng tạo, thành công các đội đạt được khiến Ban tổ chức cũng bất ngờ, và điều đó sẽ tạo thành một tiền đề tốt đẹp cho các hoạt động về sau của CLB.

Tiếp tục với những thành công học kỳ trước, học kỳ này Câu lạc bộ mở rộng đối tượng tham gia là sinh viên các khóa 08 và 09 nhằm giúp các em tiến xa hơn trên con đường kỹ thuật. Hiện nay Câu lạc bộ có 4 lớp bao gồm gần 150 Sinh viên các khóa 07, 08, 09 với từng cấp độ khác nhau:

K07: Học về các chuẩn truyền thông (UART, SPI, I2C, Ethernet, Wireless), các loại ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng (Visual Basic, C#, Matlab, C++, …), các thuật toán điều khiển (On-Off, PID, fuzzy, …)

K08: 2 lớp K08 sinh hoạt tại Câu lạc bộ với sự giúp đỡ từ các bạn K07 (DD07KSTN), các bạn được chỉ dẫn những kiến thức cơ bản nhất của việc làm mạch in và vi điều khiển PIC.

K09: Xác định K09 là lớp cần nhiều hỗ trợ nhất, do đó chương trình học của các lớp k09 sẽ có thêm các buổi làm quen với linh kiện điện tử cơ bản, các buổi thực hành với linh kiện Analog và thực hiện các trò chơi đơn giản để hiểu về mạch điện tử, song song với làm quen với Vi điều khiển PIC.

Nghiên cứu khoa học:

Nghiên cứu khoa học là mục tiêu hướng tới của Câu lạc bộ. Với những kiến thức cơ bản đã được cung cấp trong quá trình sinh hoạt, các sinh viên tự tin hơn và dễ dàng hơn trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của mình, qua các đề tài nghiên cứu, các thành viên sẽ trau dồi thêm kĩ năng và kiến thức, từ đó biên soạn các tài liệu dành để hướng dẫn các khoá sau.

Hiện nay Câu lạc bộ đang triển khai thực hiện các đề tài:

o   Điện tử công suất: Các mạch công suất cơ bản: Cầu H, kích FET, Triac, SCR, mạch nguồn dạng DC-DC converter.

o   Truyền thông: Ethernet, ZigBee (Wireless 2.4Ghz), CAN.

o   Điều khiển tự động: Các thuật toán PID, On-Off, PID Mờ cho các đối tượng khác nhau như lò nhiệt, động cơ, mực chất lỏng.

Tổng kết hoạt động gần một năm, Câu lạc bộ xin gởi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô, các anh chị đã ủng hộ Câu lạc bộ suốt thời gian qua, mong nhận được nhiều sự ủng hộ hơn nữa để Câu lạc bộ thực sự trở thành người bạn đồng hành của sinh viên khoa Điện- Điện tử nói riêng và các bạn yêu thích lĩnh vực điện – điện tử nói chung.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 2010

BCN CÂU LẠC BỘ

Comments are closed.